
Một người thuê vận chuyển, ký hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party) với chủ tàu. Theo hợp đồng này, thời điểm bắt đầu tính thời hạn bốc hàng được quy định như sau: “thời hạn bốc hàng bắt đầu tính từ 06:00 sáng ngày làm việc hôm sau nếu “thông báo sẵn sàng” được đưa trong giờ hành chính của ngày làm việc hôm trước”.
Tàu đến cảng và đưa “thông báo sẵn sàng” lúc 09:30 sáng ngày 11/2 (thứ Tư). Như vậy, thời hạn bốc hàng bắt đầu tính từ 06:00 sáng ngày 12/2 (thứ Năm). Tàu bắt đầu bốc hàng lúc 10:15 phút sáng ngày 11/2. Trong khoảng thời gian từ 10:15 phút sáng ngày 11/2 đến 06:00 sáng ngày 12/2, việc bốc hàng được tiến hành liên tục. Sau khi kết thúc chuyến tàu, khi tính thời gian được thưởng hoặc bị phạt, người thuê vận chuyển không tính khoảng thời gian bốc hàng trước thời điểm bắt đầu tính thời hạn bốc hàng (từ 10:15 ngày 11/2 đến 06:00 ngày 12/2 vào thời hạn bốc hàng nhưng chủ tàu không chấp nhận, với lý do là thực tế người thuê vận chuyển có tiến hành việc bốc hàng trong khoảng thời gian này, và yêu cầu phải tính (khoảng thời gian này) vào thời hạn bốc hàng. Trong khi đó, hợp đồng vận chuyển theo chuyến không có quy định về khoảng thời gian này có tính hay không tính vào thời hạn bốc hàng.
Để bạn đọc tham khảo: Trong hàng hải thương mại, có những vấn đề dù không quy định trong hợp đồng nhưng vẫn được áp dụng theo tập quán. Ví dụ như, trường hợp số lượng hàng bốc lên tàu vượt quá số lượng nêu trong hợp đồng thì vẫn phải trả cước phí (freight rate) theo giá cước nêu trong hợp đồng cho số lượng hàng vượt quá. Tuy vậy, tập quán lại không được áp dụng trong trường hợp này. Chủ tàu đã nhầm lẫn khi suy luận rằng thực tế có xảy ra hoạt động bốc hàng trong “thời gian tự do” nên phải tính thời gian bốc hàng này vào thời hạn bốc hàng. Trong việc tính toán thời hạn bốc hàng hoặc dỡ hàng có thuật ngữ “trừ khi có làm” (unless used), tức là nếu có làm thì có tính nhưng lại không áp dụng trong trường hợp này vì bản chất của sự việc là hoàn toàn khác. Do trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến không có quy định về việc bốc hàng trong “thời gian tự do” nên theo thông lệ là không được tính khoảng thời gian này vào thời hạn bốc hàng. Vì thế, quan điểm của người thuê vận chuyển là đúng.
Tuy vậy, cũng có toà án, trọng tài ủng hộ quan điểm của chủ tàu vì cho cho rằng thực tế có hoạt động bốc hàng trong khoảng “thời gian tự do”. Cách tốt nhất để tránh tranh chấp có thể xảy ra là đưa vấn đề có tính hay không tính là thời hạn bốc hàng nếu bốc hàng trong “thời gian tự do” vào hợp đồng vận chuyển theo chuyến, chẳng hạn như: “thời gian thực tế bốc hàng trước khi bắt đầu tính thời hạn bốc hàng phải tính vào thời hạn bốc hàng” (time actually used before commencement of laytime shall count).
Ngô Khắc Lễ